Thiết bị giám sát hành trình: từ quả đắng đến trái ngọt

Hành trình đến 2018 phải “phủ sóng” thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận tải đã đi được nửa chặng đường, nhưng đã có không ít doanh nghiệp vận tải phải ngậm đắng vì chót mua phải thiết bị không hợp quy chuẩn.

Thiết bị giám sát hành trình: từ quả đắng đến trái ngọt
Thiết bị giám sát hành trình: từ quả đắng đến trái ngọt

Nghị định số 91/2009/NĐ-CP về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” quy định các nhóm đối tượng bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen ôtô) từ ngày 01 tháng 07 năm 2012, gồm các đối tượng vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, hợp đồng. Bộ GTVT được giao trách nhiệm đến 2018 phải “phủ sóng” tới hầu hết các phương tiện vận tải đường bộ. Nắm bắt cơ hội tiềm năng này, thị trường thiết bị giám sát hành trình (GSHT) được mùa nở rộ.

‘Quả đắng’ từ thiết bị ‘trôi nổi’

Khi đã có quy định về lắp thiết bị GSHT, thị trường ghi nhận thời điểm năm 2013 có tới 180 đơn vị cung cấp sản phẩm này. Một “mảnh đất” tiềm năng khi Việt Nam có tới hàng triệu đơn vị xe vận tải từ xe khách, xe tải, taxi sẽ phải lắp GSHT theo một lộ trình lâu dài. Thời điểm ban đầu khi chính sách mới ban hành, có doanh nghiệp đón đầu bằng cách nhập về vô tội vạ các thiết bị từ nước ngoài, có doanh nghiệp thận trọng hơn thì đầu tư nghiên cứu tự sản xuất. Để chiếm lĩnh thị trường, nhân viên bán hàng của các công ty bủa đi gõ cửa các doanh nghiệp vận tải để chớp cơ hội bán thiết bị của mình.

Thời điểm nhập nhoạng “tranh sáng, tranh tối”, có doanh nghiệp đủng đỉnh chưa quan tâm vì chưa có chế tài xử phạt, nơi thì chọn mua theo kiểu đối phó, tức là giá rẻ và nhanh thì mua.

quy định về lắp thiết bị GSHT
quy định về lắp thiết bị GSHT

Anh Nguyễn Quốc Trịnh, chủ một hợp tác xã xe khách ở Long Biên (Hà Nội) cho biết được rỉ tai bởi lô hàng nhập khẩu từ Đài Loan. “Lúc đó, cậu bán hàng cũng là chỗ quen họ hàng nói nếu lắp cả lô 18 bộ cho đoàn xe thì được giá ưu đãi 3 triệu đồng/bộ so với giá 6 triệu đồng mua lẻ,” anh Trịnh chia sẻ. Sau một thời gian lắp đặt, bộ phận quản lý xe phàn nàn rằng tín hiệu sai lệch khá nhiều, có khi xe đang nằm bãi mà định vị lại tuốt cách đó hàng chục km. “Đem phản ánh tới bộ phận bảo hành, hẹn lần lữa mãi mới có người đến kiểm tra nhưng cuối cùng sai số vẫn chả giảm đi tý nào,” anh Trịnh ngậm ngùi nói.

Cũng như anh Trịnh, công ty của anh Phúc (Đông Anh) lựa chọn mua sản phẩm dựa trên một đống báo giá các nơi gửi đến. Tâm lý nghĩ rằng mua để cơ quan chức năng kiểm tra thấy có là được, đỡ bị phạt khiến anh quyết định lấy bộ sản phẩm rẻ nhất báo giá 1,8 triệu đồng/bộ. Kết quả lại trái với suy nghĩ của anh, đến kỳ đăng kiểm, thiết bị gắn trên lô 12 xe của công ty đều không hợp chuẩn, thiếu giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các xe chở khách của công ty không thể lăn bánh buộc anh Phúc phải tìm tới một công ty bán GSHT hợp chuẩn để trang bị mới, vừa tốn kém lại mất thời gian.

Hiện tại, các thiết bị GSHT đều phải được Tổng cục đường bộ chứng nhận phù hợp QCVN31: 2014/BGTVT. Mới đây nhất tại Đại hội của các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị GSHT, thống kê cho thấy chỉ có 18 đơn vị được công nhận đạt chuẩn. So với gần 200 đơn vị kinh doanh ban đầu, số lượng nhà cung cấp GSHT đã giảm rất mạnh. Đồng nghĩa với đó là rất nhiều doanh nghiệp đã chót “ăn quả đắng” cho lô thiết bị “đón đầu” nhưng không hợp chuẩn.

‘Trái ngọt’ từ thiết bị GSHT hợp chuẩn

Bên cạnh việc tuân thủ quy định của nhà nước về việc lắp thiết bị GSHT, tránh bị xử phạt theo nghị định 171/NĐ-CP, doanh nghiệp, HTX vận tải đã dần nhận thấy lợi ích từ loại thiết bị này.

Doanh nghiệp H.L chạy tuyến xe khách Hà Nội – Hải Phòng cho biết từ khi lắp thiết bị GSHT đã “nhẹ đầu” hẳn khâu quản lý điều xe. Thông tin lộ trình, tốc độ, số lần dừng xe, mở cửa, tổng thời gian làm việc của tài xế…đều được lưu trữ ở trung tâm dữ liệu. Để tăng cường thêm hiệu quả giám sát, doanh nghiệp này còn cho lắp camera hành trình để kiểm soát lượng khách đón/trả, an ninh trên xe. Thiết bị GSHT và camera hành trình đã thay thế hẳn được nhân viên kiểm tra thu công theo từng chặng mà lâu nay các doanh nghiệp vẫn áp dụng. Chỉ tính riêng chi phí tiết kiệm này một tháng đã đủ hoàn vốn cho một thiết bị.

Thiết bị GSHT phù hợp QCVN31:2014/BGTVT, đều có chức năng kiểm tra lưu thông tin của lái xe, khi thay người điều khiển phương tiện trên xe, thiết bị giám sát hành trình sẽ lưu giữ được tên lái xe vào bộ nhớ của thiết bị. Để biết được những thông tin này, chủ doanh nghiệp chỉ cần kết nối máy tính với thiết bị giám sát hành trình thông qua cổng DB9 và dùng những phần mềm thích hợp. Khi đó, phần mềm phân tích dữ liệu sẽ tải các số liệu vào máy tính và tiến hành phân tích các mẫu biểu báo cáo tóm tắt hành trình trong ngày của lái xe với các thông số: Biển số xe, tên lái xe (và số GPLX), thời gian khởi hành đầu ngày, thời gian kết thúc cuối ngày, số lần quá tốc độ trong ngày, số lần đóng/mở cửa trong ngày, số lần dừng đỗ xe trong ngày, thời gian chạy xe trong ngày… Phần mềm khi đó sẽ xuất ra file log tọa độ GPS theo định dạng. File hành trình xe sẽ vẽ lại được đoạn đường xe đã đỗ và các vị trí mà tài xế dừng xe, đóng/mở cửa xe, vị trí xe quá tốc độ, vị trí vi phạm thời gian lái xe liên tục…

Với những tính năng của thiết bị giám sát hành trình, người quản lý sẽ nắm bắt được tình hình của lái xe cũng như vị trí xe, cung đường xe chạy,… giúp doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt được số lượng xe của mình, đồng thời kịp thời ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm của lái xe; nắm bắt tình trạng giao thông, tình trạng vận hành của phương tiện để đưa ra các phương án tổ chức điều hành hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.

XEM THÊM: Thiết bị giám sát hành trình: Lợi đủ đường

Thiết bị giám sát hành trình: từ quả đắng đến trái ngọt