Thành lập bộ phận ATGT trong doanh nghiệp vận tải

Từ 1/7 tới, các quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bộ phận ATGT cũng được thực hiện với xe tải từ 10 tấn trở lên và từ 1/1/2017 sẽ áp dụng với xe từ 7–10 tấn

Nói về quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thành lập bộ phận an toàn giao thông trong doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vận tải ô tô Điện Biên cho biết, theo quy định, trong giấy phép hoạt động kinh doanh phải có bộ phận thường trực theo dõi an toàn giao thông. Tuy nhiên, các quy định hiện hành không quy định rõ về trình độ, số lượng người làm việc trong bộ phận này, do vậy, một số trường hợp doanh nghiệp nhỏ lẻ, số lượng phương tiện ít, việc thành lập bộ phận an toàn giao thông trong doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức chứ chưa chú trọng đến hiệu quả của bộ phận này. Theo ông Mạnh, giá trị quan trọng nhất của bộ phận này là phòng ngừa, nên cần quy định cụ thể thời gian làm việc của bộ phận an toàn giao thông trong doanh nghiệp mới có giá trị phòng ngừa tai nạn.

Ông Mạnh cho biết thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là giá trị phòng ngừa. Muốn phòng ngừa được chúng ta phải duy trì hoạt động thực chất đó, anh phải có nơi làm việc, con người làm việc, phải có phương tiện làm việc và phải có hệ thống thông tin báo cáo”.

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các văn bản hiện hành mới chỉ quy định bộ phận an toàn giao thông phải có lịch công tác, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, có hồ sơ lưu trữ phục vụ công tác kiểm tra, hậu kiểm. Về việc quy định bộ phận an toàn giao thông theo dõi thường xuyên hành trình của các phương tiện đang hoạt động cũng không hợp lý, bởi nếu buộc cử người theo dõi trực tuyến từng xe thì doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng.

Ngay cả một doanh nghiệp, tại một thời điểm, người theo dõi cũng chỉ có thể theo dõi 1-2 xe chứ không thể theo dõi hàng trăm xe đang hoạt động. Nếu muốn theo dõi hàng trăm xe tại 1 thời điểm, doanh nghiệp vận tải phải bố trí rất nhiều người. Về việc thiếu quy định về trình độ của cán bộ làm việc trong bộ phận an toàn giao thông, ông Quyền cho rằng, nếu quy định cứng số lượng, trình độ cán bộ trong bộ phận an toàn giao thông thì với các doanh nghiệp ở miền núi sẽ khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: “Ngay cả quy định về trình độ người điều hành vận tải ở các đơn vị, mà nhiều doanh nghiệp còn kiếm không ra nên chỉ quy định mang tính định hướng. Tùy theo điều kiện, tùy theo quy mô doanh nghiệp người ta cần đến đâu, thì người quản lý người ta bố trí đến đó chứ hiện nay chưa có quy định cứng về trình độ cụ thể”.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, quy định bắt buộc thành lập bộ phận ATGT đã được thực hiện đối với xe khách, xe hợp đồng, xe có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, taxi, xe container. Theo bà Hiền, việc bắt buộc thành lập bộ phận ATGT trong doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải. Nhờ vậy, 3 năm gần đây, tình hình TNGT đã giảm đáng kể về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Theo bà Hiền, bằng nhiều biện pháp, trong đó có các giải pháp thực hiện quy trình đảm bảo ATGT trong doanh nghiệp đã mang lại những hiệu quả trong công tác đảm bảo ATGT. Do vậy, thời gian tới, việc quy định bắt buộc thành lập bộ phần an toàn giao thông sẽ được mở rộng sang các đối tượng vận tải khác.

Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết thêm: “Từ 1/7/2015 thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, taxi, xe vận tải hàng hóa bằng container và bến xe khách đã thực hiện rồi. Từ 1/7/2016 thì thực hiện đối với ô tô vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên; còn từ 1/1/2017 thì sẽ thực hiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa từ 7-10 tấn”.

Việc thành lập bộ phận an toàn giao thông trong doanh nghiệp vận tải bên cạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, còn phục vụ lợi ích của chính doanh nghiệp đó trong việc giám sát, quản lý phương tiện, tài xế của mình. Do vậy, từ 1/7 tới, việc thành lập bộ phận theo dõi an toàn giao thông cũng được thực hiện với xe tải trên 10 tấn. Song để bộ phận này hoạt động hiệu quả, đúng yêu cầu đề ra, việc quy định quy mô phương tiện trong doanh nghiệp cũng cần được siết chặt, qua đó tích tụ phương tiện và thị trường vận tải, nâng cao sức cạnh tranh…

Nguồn: VOV Giao Thông

Doanh nghiệp vận tải cần lắp Thiết bị giám sát hành trình Viettel hợp chuẩn Bộ GTVT vui lòng liên hệ