Khởi đầu cho thành phố thông minh

Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường sống và chất lượng phục vụ người dân. Đặc biệt là tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân đối với các hoạt động của chính quyền… Và khởi đầu cho thành phố thông minh đã được bắt đầu.

Trước đã tính, nay tiếp tục làm

Hiện cả nước đã có một số TP bắt đầu triển khai xây dựng đề án TP thông minh, như: Huế (năm 2015), Đà Nẵng (7-2016), TPHCM (8-2016), Cần Thơ (9-2016)… Để việc triển khai xây dựng TP thông minh, đô thị thông minh thực sự hiệu quả, khả thi và đáp ứng đúng nhu cầu của người dân thì phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của lãnh đạo và giải pháp công nghệ.

Riêng tại TPHCM, tầm nhìn phải xây dựng TP thông minh có từ rất sớm. Thể hiện rõ nhất vào năm 2014, Tập đoàn Microsoft chính thức ký Biên bản ghi nhớ với TPHCM nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh và phát triển bền vững. Hai bên sẽ phối hợp để cùng nhau triển khai các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), cơ sở hạ tầng CNTT cho đô thị thông minh; an toàn bảo mật thông tin; phát triển ứng dụng điện toán đám mây; đào tạo nhân lực, nhân sự CNTT; các ứng dụng phục vụ quản lý chính quyền điện tử trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội…

Tiếp nối những việc đang còn trong quá trình xây dựng, vào cuối tháng 9-2016, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) ký thỏa thuận hợp tác liên quan đến đề án “Xây dựng TPHCM trở thành TP thông minh”. Được biết, mô hình VNPT Smart City được xây dựng dựa trên 3 thành phần, gồm hạ tầng mạng và CNTT, trung tâm vận hành tập trung, dịch vụ thông minh. Mục tiêu hướng đến là sự tiện ích và hiện đại cho cuộc sống người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế – xã hội… Phía VNPT cho hay, trong 5 năm tới, VNPT sẽ tập trung thực hiện các chương trình giao thông thông minh, giám sát môi trường thông minh, y tế thông minh… để giải quyết các hạn chế, bức xúc của người dân. Sau đó, trong các năm tiếp theo, tùy nhu cầu của TPHCM mà thực hiện các bước làm TP càng thông minh hơn.

Trong quá trình xây dựng TP thông minh tại TPHCM, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Microsoft để đưa ra những giải pháp về TP thông minh phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Microsoft là đối tác quan trọng trong quá trình tư vấn, xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT cho TPHCM. Dự án kéo dài trong 6 năm, mục tiêu đến năm 2020, hạ tầng dành cho chính quyền điện tử TPHCM sẽ xây dựng và phát triển các phần mềm trên nền điện toán đám mây, đồng thời xã hội hóa các dịch vụ CNTT. Các giải pháp của tập đoàn này luôn nâng cao giá trị hạ tầng vốn có để tiết kiệm kinh phí đầu tư một cách tốt nhất có thể.

Nâng cao chất lượng sống

Không còn quá xa lạ với TP thông minh trên thế giới mà ở đó con người là trung tâm, chất lượng sống được nâng cao. Như hệ thống tàu điện ngầm The London Underground đã sử dụng một bộ cảm biến kết hợp với nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft nhằm theo dõi các vấn đề phát sinh của hệ thống, đo nhiệt độ, độ rung, độ ẩm hay hiển thị và cảnh báo với người dân xung quanh. Thành phố London còn đưa ra thử nghiệm một hệ thống đèn giao thông mới, có khả năng phát hiện nhiều người đi xe đạp đang tiếp cận và điều chỉnh đèn màu xanh để hỗ trợ phân bổ lưu lượng giao thông, làm giảm ùn tắc trong giờ cao điểm…

Còn tại TPHCM, chất lượng sống sẽ nâng cao khi sáng thức dậy, bước ra đường đi làm sẽ được cảnh báo ngay thời tiết bất thường trong ngày hay chỉ báo đường đến chỗ làm mà không bị kẹt xe; chạy ô tô vào trung tâm TP, biết ngay còn bao nhiêu chỗ trống để đậu xe. Hay những câu chuyện lớn hơn trong quản lý xã hội như hệ thống chiếu sáng toàn TP, giám sát môi trường, quản lý rác thải… được cập nhật từng phút để có những điều chỉnh thích hợp nhất. Đó là khi TP thông minh được xây dựng và cũng là viễn cảnh mà những công dân của đô thị như TPHCM luôn mong ước.

Trong xây dựng TP thông minh ở TPHCM, bấy lâu nay đã có rất nhiều giải pháp được giới thiệu như quản lý sự cố giao thông bằng cách lắp đặt các cảm biến dọc theo đường mạng của TP, qua camera kết nối vào hạ tầng để đánh giá sự cố…, từng bước xử lý sự cố giao thông thích hợp. Tất cả những thứ như hệ thống camera giám sát giao thông, ghi nhận hành trình trên đường của xe khách, xe buýt là những bước đầu thu thập dữ liệu và mang về xử lý… đã là những bước đầu chuẩn bị của TP thông minh nhưng còn ở dạng rời rạc, cục bộ.

Phải tích hợp được toàn bộ dữ liệu, hệ thống CNTT sẵn có của từng sở ngành, địa phương vào một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực thì khi đó TP thông minh mới sẵn sàng. Một khi tất cả những thông tin liên quan đến đời sống xã hội liên kết với nhau, để khi người dân dùng thiết bị di động hay các thiết bị cầm tay khác có thể biết được các thông tin cần thiết phục vụ cho đời sống hàng ngày, thì đó chính là sự thụ hưởng của người dân trong TP thông minh.

VNPT và Microsoft đang phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM để đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, sát với định hướng phát triển và đặc thù của TP, giảm tối đa nguy cơ về bảo mật, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin ở mức cao nhất trong quá trình triển khai, xây dựng và đưa vào sử dụng mô hình TP thông minh.

BÁ TÂN